Sunday 12 June 2011

Chương Mở Đầu

Vào những năm 20 của thế kỷ XX, một nền đạo mới đã xuất hiện ở Việt Nam với danh xưng Đại đạo Tam kỳ Phổ độ, gọi tắt là đạo Cao Đài, và nêu tôn chỉ Tam giáo quy nguyên, Ngũ chi phục nhất.[1] Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng ngoài phần bản sắc riêng biệt, đặc thù của Cao Đài, nền đạo mới này rõ ràng có chủ trương tổng hợp các nền đạo lý theo phương châm Kết tinh kim cổ, dung hòa Đông Tây. Đó là lý do các học giả phương Tây thường có xu hướng coi Cao Đài như một tôn giáo tổng hợp.
Thuật ngữ Tam kỳ ngụ ý chia lịch sử triết giáo của nhân loại ra ba thời kỳ lớn (tam nguơn, tam nguyên):
- Kỳ Nhất kéo dài từ thời thượng cổ (tiền sử hay khuyết sử) cho tới khoảng nửa đầu thế kỷ VII trước công nguyên (khoảng năm 650 tcn).
- Kỳ Nhì diễn ra trong khoảng hai mươi lăm thế kỷ, từ khoảng nửa sau thế kỷ VII tcn cho tới khoảng nửa đầu thế kỷ XIX (khoảng 650 tcn-1850).
- Kỳ Ba diễn ra từ khoảng nửa sau thế kỷ XIX trở đi.
KỲ NHẤT có một số đặc trưng triết giáo như sau:
Tại Trung Quốc, từ 8 quẻ đơn phát triển thành 64 quẻ kép, mỗi quẻ 6 hào, tổng cộng 384 hào. Thế kỷ XII tcn, Chu Văn vương phát huy thêm Thoán từ giải thích 64 quẻ. Chu công (con Chu Văn vương) phát huy thêm Hào từ giải thích 384 hào. Như thế, kinh Dịch đã hình thành được nền tảng ban đầu.
Tại Ấn Độ, đạo Bà-la-môn hay Ấn giáo hình thành. Tư tưởng Ấn Độ trong kỳ Nhất có hai thời đại quan trọng:
- Thời đại các kinh Veda (khoảng 1500 tcn-900 tcn).
- Thời đại Anh hùng ca hay Sử thi (900tcn-500 tcn); qua đó, các bộ kinh Upanishad được kết tập (khoảng 800 tcn-600 tcn).
Bên cạnh đó còn có một hệ tư tưởng cổ đại truyền được hai mươi ba đời tổ sư, đến đời tổ thứ hai mươi bốn, hệ tư tưởng này được gọi là Kỳ-na giáo (Jainism).
Tại Palestine, hình thành Do Thái giáo. Căn cứ từ lúc Thánh Moses được truyền thụ Mười điều răn trên núi Sinai và tôn vinh đức Chúa Trời Yahweh (hay Jahweh) cho dân Hebrews thì Do Thái giáo đã có từ năm 1300 tcn.
KỲ NHÌ có một số đặc trưng triết giáo như sau:
Tại Trung Quốc, vào thế kỷ VI tcn đã hình thành Nho giáo, Lão giáo.
Tại Ấn Độ, đạo Bà-la-môn tiếp tục hoạt động. Thế kỷ VI tcn có thêm Thích-ca giáo, đồng thời Varhamana (hiệu là Mahavira) chấn hưng Kỳ-na giáo, là Tổ thứ hai mươi bốn của đạo này. Thế kỷ XV, Nanak thành lập Xích giáo (Sikhism).
Tại Palestine, Do Thái giáo vẫn tiếp tục. Chúa Jesus Christ ra đời, từ đó hình thành Ki-tô giáo.
Tại Ả Rập, thế kỷ VII, với Muhammad, Hồi giáo xuất hiện.
Tại Ba Tư, Zoroaster (hay Zarathustra) sáng lập Bái hỏa giáo, còn gọi Ba Tư giáo, khoảng thế kỷ VII tcn hay VI tcn.
Tại Hy Lạp, từ cuối thế kỷ VII trở đi, các triết học của Thalès, Pythagore, Anaximandre... đã phát triển mạnh.[2]
KỲ BA có một số đặc trưng triết giáo như sau:
Trong hai kỳ trước, các nền tư tưởng triết giáo tiêu biểu nói trên còn bị giới hạn trong điều kiện không gian địa lý ngăn cách. Sang kỳ Ba, thế giới ngày một gần lại, con người đã chinh phục được khoảng cách thiên nhiên. Phương tiện ấn loát và thông tin ngày càng phát triển cùng với phương tiện giao thông đã góp phần đưa các nền tư tưởng gần lại, giao lưu với nhau. Kỳ Ba vì vậy có một đặc sắc riêng là xu thế dung hoà và tổng hợp tư tưởng Đông Tây kim cổ.
Năm 1863, tại Iran, ông Baha Ullah tức là Mirza Huseyn Ali (1817-1892) sáng lập đạo Baha’i, chủ trương các tôn giáo đều có chỗ đại đồng.
Năm 1875, tại Hoa Kỳ, bà Helena Petrovna Hahn Blavatsky (gốc Nga, 1831-1891) lập trụ sở trung ương của hội Thông thiên học (the Theosophical Society) ở thành phố New York. Trụ sở này dời về Ấn Độ, đặt tại thành phố Madras (1879). Nêu tiêu ngữ Không tôn giáo nào vượt qua chân lý, Thông thiên học đề cao chân lý đại đồng, hướng con người thoát ra vỏ ốc tôn giáo để tiến lên Đại đạo (vượt lên khỏi mọi hình tướng tôn giáo).
Các triết gia, học giả đã làm nổi lên phong trào đối chiếu và tổng hợp tư tưởng triết giáo nhằm nỗ lực định hướng con người gần lại nhau trong tư tưởng đại đồng, vạn giáo nhất lý. Cuối thế kỷ XIX đã có hai sự kiện đáng kể:
- Năm 1893, Đại hội tôn giáo thế giới (lần I) được triệu tập tại thành phố Chicago (bang Illinois, Hoa Kỳ).
- Năm 1900, Hội nghị quốc tế về lịch sử tôn giáo (lần I) được triệu tập tại thủ đô Paris (Pháp).
Hai sự kiện này đã mở đường cho những hoạt động nhằm cổ vũ cho một lý tưởng hòa đồng tôn giáo và dung hợp tư tưởng vào các thập niên kế tiếp. Chẳng hạn:
- Năm 1939, Radhakrishnan dạy Tôn giáo đối chiếu tại Viện đại học Oxford (Anh).
- Năm 1959, Viện Văn hóa Pháp và Viện đại học Paris mở khoa Tôn giáo đối chiếu.
- Năm 1960, Hội nghị quốc tế về lịch sử tôn giáo (lần X) được triệu tập tại thành phố Marburg (Đức).
- Năm 1961, Viện đại học Chicago và Viện đại học Yale (Hoa Kỳ) xuất bản các tập san định kỳ làm diễn đàn cho phong trào đối chiếu và tổng hợp triết giáo.
- Năm 1963, Viện đại học Sorbonne (Pháp) mở khoa Triết lý đối chiếu...
Rất nhiều sách vở cũng đã ấn hành vì một mục đích tương tự. Qua đó, như những nhận định tiêu biểu của Archie J. Bahm (Giáo sư triết và tôn giáo đối chiếu Viện đại học New Mexico, tác giả quyển The World’s Living Religions), cho thấy rằng sự chuyển biến quan trọng nhất của tư tưởng nhân loại ở kỳ Ba này là đã bắt đầu nhận thức được rằng:
- Ngày nay thế giới càng lúc càng nối gần lại các biên cương, sự giao lưu ngày càng phổ biến, thuận tiện và tự nhiên. Con người của kỳ Ba không còn như ngày xưa vốn chỉ sống biệt lập với một nền văn minh bản địa. Như P.T. Raju, nguyên Trưởng khoa Triết Viện đại học Rajasthan đã phát biểu, “ngày nay chúng ta sống trong một thế giới, chứ không phải chỉ trong một quốc gia hay một nền văn minh, và chúng ta cần hiểu chính ta như là các công dân của thế giới”.[3] Cũng P.T. Raju nhận định rằng “mặc dù có dị biệt, nhưng các tôn giáo đều có cái chung, đó là con người”.[4]
- Theo A.J. Bahm, “tiềm tàng trong bản chất của tôn giáo là mỗi tôn giáo đều tự nhiên tìm cách trở nên đại đồng và (...) các tôn giáo trên thế giới sẽ có xu thế hướng về một nền tôn giáo toàn cầu”. [5]
- A.J. Bahm phát biểu: “Tuy nhiên nhân loại đang thiếu một nền tôn giáo toàn cầu theo ý nghĩa rằng thực chất nền tôn giáo đó là nền đạo duy nhất và theo ý nghĩa rằng tôn giáo đó vượt lên hẳn các tôn giáo khác chỉ vì bản thân tôn giáo đó chứa đựng tinh hoa của tất cả các tôn giáo khác.” [6]
“Chúng ta chưa sẵn sàng để phát triển một ‘tôn giáo toàn cầu’ phối hợp tinh hoa của tất cả những tôn giáo của nhân loại. Nhưng chắc chắn đã đến lúc chúng ta phải hiểu biết nhiều hơn về vấn đề này như là một vấn đề.” [7]
- Ngoài vấn đề tôn giáo chung toàn cầu cho toàn nhân loại, còn có vấn đề hiện đại hóa tôn giáo. A.J. Bahm viết rằng “Các hình tướng, giáo lý và thiết chế đặc biệt mà qua đó các nhu cầu, và kinh nghiệm tu hành của một số người đã được phô diễn thì chúng có thể hóa ra lỗi thời, mà sự tiếp tục duy trì chúng thường trở nên có hại cho sự tu hành lành mạnh.” [8] Theo Bahm, sống trong thời đại toàn cầu con người cần có tôn giáo khác hơn thời trước, phù hợp với đà văn minh khoa học hiện đại của thế giới.[9]
Sự chuyển biến nhận thức về tôn giáo trong hai ý hướng chủ yếu (a) toàn cầu và hiện đại, tựu trung chính là sự nhận thức về nhu cầu mới của nhân loại đang khao khát một nền đạo đại đồng vượt mọi biên cương, chủng tộc. Suốt thế kỷ XX, nhiều nước đã có nhiều hoạt động phục vụ cho lý tưởng này. Tất cả nhìn riêng, là một khâu, một mắt xích trong toàn chuỗi xích của phong trào vận động và tìm kiếm cho nhân loại một Đại đạo.
Trong bối cảnh chung toàn thế giới như thế, ở Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX (1920-1926), đức Thượng đế tá danh Cao Đài đã vận chuyển để quy tụ những con người sứ mạng xây đắp nền móng đầu tiên của Đại đạo Tam kỳ Phổ độ.
Ở trên đã nói về thuật ngữ Tam kỳ. Thuật ngữ Đại đạo bao hàm cái nghĩa vượt lên tôn giáo cố hữu của nhân loại. Nói cách khác, Đại đạo là siêu tôn giáo (sur-religion). Thuật ngữ Phổ độ ngụ ý rằng đối tượng cứu rỗi là toàn thể chúng sanh (universalism).
Mặc dù Đại đạo là siêu tôn giáo, nhưng khởi đầu xây dưng cơ sở hạ tầng không thể không mượn hình thức tôn giáo. Cũng vậy, cho dù Phổ độ vốn vượt biên cương và chủng tộc, nhưng khởi sự xây đắp nền móng đầu tiên không thể mượn một đất nước, một dân tộc để làm cái nôi cho mọi xuất phát trong tương lai. Archimedes (người Hy Lạp, 287?-212 tcn) nói: “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ bẩy cả trái đất này đi.” Sự có mặt của đạo Cao Đài tại Việt Nam là cái “điểm tựa” của Đại đạo Tam kỳ Phổ độ.
Đại đạo Tam kỳ Phổ độ vì vậy đã khởi đầu với hình thức tôn giáo Cao Đài tại Việt Nam, vốn là đất nước nằm ở ngã tư giao lưu tư tưởng của Đông Tây kim cổ, và cũng đã có quá trình thấm nhuần tinh thần Tam giáo đồng nguyên, vạn giáo nhất lý trong khoảng mười chín thế kỷ.[10] Việt Nam còn là nơi mà các đặc trưng của văn hóa Ấn, Hoa và phương Tây đều hiện diện. A.J. Bahm đánh giá rằng: “Ba nền văn minh lớn nhất của nhân loại là Ấn Độ, Trung Hoa, và châu Âu hay phương Tây.” [11] Do đó, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp thu chân lý đại đồng từ đức Thượng đế tá danh Cao Đài. Có thể nhận định rằng tôn giáo Cao Đài và cái nôi Việt Nam chính là phương tiện để qua đó đạt tới cứu cánh của Đại đạo Tam kỳ Phổ độ. Nói cách khác, trong bước đầu của Đại đạo Tam kỳ Phổ độ tại Việt Nam, nếu đã có màu sắc tôn giáo thì đó cũng là sự tự nhiên và hợp lý khi xét tới mối quan hệ biện chứng giữa phương tiện và cứu cánh.
Lịch sử Cao Đài trải qua một thời kỳ tiềm ẩn lâu dài để chuẩn bị nhân sự và mọi điều kiện cần yếu khác cho cơ cấu một thiết chế tín ngưỡng. Định mốc cho thời kỳ tiềm ẩn có thể chọn khởi điểm là năm 1920, vì chính lúc này lần đầu tiên ông Ngô Văn Chiêu nghe được hồng danh Cao Đài tiết lộ trong một đàn cơ ở tỉnh Tân An.
Tháng 9-1926 có thể coi là điểm kết thúc của thời kỳ tiềm ẩn vì đúng vào tháng này, đã có Tuyên ngôn khai Đạo chánh thức.
Phối hợp hai phương pháp kỷ truyện và biên niên, phần thứ nhất của bộ Lịch sử Cao Đài với tiêu đề: Thời kỳ tiềm ẩn (1920-1926) được trình bày qua ba chương II, III, và IV, khởi từ việc đức Cao Đài hóa độ ông Ngô Văn Chiêu cho tới khi nhóm Phổ độ hình thành với vị đứng đầu nhóm là ông Lê Văn Trung. Chương I nhằm xét một bối cảnh tổng quát của Nam Kỳ, địa bàn xuất phát của đạo Cao Đài.
Các vấn đề lịch sử xen lẫn với nhau, cái này liên hệ cái khác, mỗi nhà viết sử đều có phương pháp riêng để sắp xếp sử liệu, dữ kiện. Sự trình bày các chương sau đây là tương đối, cốt sao thuận tiện cho người viết. Không có chương kết, mặc dù có Chương mở đầu. Thay vào đó là một niên biểu chi tiết tóm tắt những sự việc nổi bật của lịch sử đạo Cao Đài trong thời kỳ tiềm ẩn.
HẾT CHƯƠNG MỞ ĐẦU
CHÚ THÍCH
Ký hiệu [Bahm 1964: 359] nghĩa là trích ở trang 359 của Archie J. Bahm, The world’s living religions. New York: Dell, 1964.
[1] Tam giáo quy nguyên: Ba đạo Nho, Thích, Lão trở về nguồn cội của mình. Ngũ chi phục nhất: Năm nhánh Nhân đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo trở lại một. Nguyên và nhất tức là Đạo.
[2] Quan niệm về trục lịch sử của Karl Jaspers (1883-1969) phần nào khá trùng hợp với quan niệm Nhị kỳ Phổ độ của Cao Đài. Xem “axe de l'histoire” trong Introduction à la philosophie, Jeanne Hersch dịch, Paris: Plon, 1961, từ p. 136; hoặc “thời trục” trong Triết học nhập môn, Lê Tôn Nghiêm dịch, Sài Gòn: Trung tâm Học liệu xb, 1969, từ tr. 109.
[3] “... we now live in a word, not just in a civilization, and we need to understand ourselves as world citizens.” [Bahm 1964: 358-9].
[4] “... despite all their differences, religions have something in common, namely, man.” [Bahm 1964: 359].
[5] “... inherent in the nature of religion, that each religion naturally seeks to become universal and that (...) world religions will tend toward one world religion.” [Bahm 1964: 354].
[6] “Yet mankind lacks a world religion in the sense that it is in fact the only one or only true one and in the sense that it is superior to others because it embodies within itself the virtues of all other religions..” [Bahm 1964: 353].
[7] “We are not yet ready to develop a ‘world religion’ incorporating the virtues of all of man’s religions. But surely it is time for us to become more fully aware of the problem as a problem.” [Bahm 1964: 33].
[8] “The particular forms, doctrines, and institutions through which the religious needs and experiences of some people have been expressed may become obsolete, and their continuance often becomes detrimental to healthy religion.” [Bahm 1964: 14].
[9] “But just as automobile and jet plane have replaced ox and horse, skycrapers have supplanted caves, and wash-and-wear fabrics have superseded animal skins, so we should expect the modes of expression serving our religious needs in cosmopolitan society to be different from those which inspired the fearful shepherd, Moses, on a fiery mountainside or the wondering camel driver, Mohammed, in a Meccan cave.” [Bahm 1964: 14].
[10] Xin đọc Lê Anh Dũng: Con đường Tam giáo Việt Nam từ khởi nguyên tới thế kỷ XIX. Xuất bản 1994.
[11] “The three greatest civilizations of mankind are the Hindu, the Chinese, and the European or Western.” [Bahm 1964: 32].
LÊ ANH DŨNG

No comments:

Post a Comment