Sunday 12 June 2011

Sơ Lược Về Lịch sử đạo Cao Đài

Lịch sử đạo Cao Đài phản ánh sự hình thành và phát triển của đạo Cao Đài hoặc Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, được các tín đồ Cao Đài gọi là đạo Thầy để tỏ lòng tôn kính.

Tuy được khai sinh chính thức vào năm 1926, Cao Đài nhanh chóng phát triển về quy mô và số lượng tín đồ. Theo thống kê năm 2009 của các tổ chức Cao Đài, đạo Cao Đài có trên 1 vạn chức sắc, gần 3 vạn chức việc, khoảng 5 triệu tín đồ, với 958 tổ chức Họ đạo cơ sở được công nhận ở 35/38 tỉnh, thành phố có đạo Cao Đài, thành lập 65 Ban Đại diện, 1.290 cơ sở thờ tự (hàng năm có khoảng 4 ngàn tín đồ mới nhập môn vào đạo Cao Đài). Ngoài ra, có khoảng 30.000 tín đồ nữa sống ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Úc.

Lịch sử của đạo Cao Đài gắn liền với sự phổ biến Cơ bút tại Việt Nam đầu thế kỷ XX. Có thể nói, Cơ bút là nền tảng căn bản cũng như mọi yếu tố liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của tôn giáo Cao Đài từ quá khứ đến hiện tại, từ việc thu nhận tín đồ, phong chức sắc, ban hành luật đạo, các nghi thức cúng tế, phẩm phục, kinh điển, thậm chí đến các thiết kế cơ sở thờ tự cũng được thông qua bởi hình thức Cơ bút.

Hai hình thức Cơ bút ảnh hưởng đến sự ra đời của tôn giáo Cao Đài là Đại ngọc cơ (大玉機) Tam giáo của Trung Quốc và Bàn cơ (a table tournante) Thông linh học (Spiritisme) của Pháp.

Các tài liệu về tôn giáo Cao Đài đều thừa nhận người được xem là tín đồ đầu tiên của đạo là ông Ngô Văn Chiêu. Là một viên chức trong chính quyền thực dân Pháp, vốn chịu ảnh hưởng của Minh Sư đạo, một nhánh của Tam giáo, thường sử dụng hình thức cơ bút để giao tiếp với giới thần tiên, trong những năm 1921 đến 1924, ông Chiêu đã thông qua các cơ bút để hình thành những nền tảng đầu tiên của đạo Cao Đài như:
Giáo chủ (vô vi): Ngọc Hoàng Thượng đế, xưng danh hiệu Cao Đài Tiên ông Đại bồ tát Ma ha tát.
Giáo đồ đầu tiên: Ngô Văn Chiêu.
Giáo pháp: Nội giáo tâm truyền, một pháp môn tu tập chịu ảnh hưởng rất lớn của Thiền.
Giáo tượng (thánh tượng): Thiên nhãn.
Giáo thuyết: Đường lối dung hợp Tam giáo (Nho-Lão-Phật).
Giáo điển: Một số bài kinh cúng như bài "Đại la Thiên đế, Thái cực Thánh hoàng..." và ba bài dâng tam bửu (hoa, rượu trắng, trà).

Với những nền tảng đạo đầu tiên, ông bắt đầu khai đạo cho nhóm bạn hữu Vương Quang Kỳ (tùng sự Soái phủ Nam Kỳ, ngạch Tri phủ), Nguyễn Văn Hoài (ngạch thông phán), Võ Văn Sang (ngạch thông phán), Đoàn Văn Bản (đốc học Đa Kao). Sau đó các ông này cũng có độ thêm một số đệ tử nữa cùng tu luyện với Ngô Văn Chiêu, nhưng những hoạt động giai đoạn nầy còn trong phạm vi một nhóm tu đơn tịnh luyện, chứ chưa phát triển thành một Tôn giáo.

Song song với phong trào cầu cơ ảnh hưởng của Đạo giáo, đầu thập niên 1920, một phong trào cầu cơ chịu ảnh hưởng của phong trào Thông linh học (Spiritisme)[2] của Pháp trong một nhóm công chức trong chính quyền thực dân Pháp ở Sài Gòn cũng phát triển, lan tràn khắp cả Nam Kỳ[3]. Trong đó, quan trọng nhất có nhóm cầu cơ ở đường Arras[4] gồm các công chức gốc Tây Ninh, ban đầu gồm 3 người:
Cao Quỳnh Cư, Thư ký Sở Hỏa xa Sài Gòn, ngạch Tham tá (commis)
Cao Hoài Sang, Tham tá Sở Thương chánh Sài Gòn[5]
Phạm Công Tắc, Thư ký Sở Thương chánh Sài Gòn.

Do các thành viên ban đầu mang họ Cao và họ Phạm, nên còn được gọi là nhóm Cao - Phạm. Nhóm còn có một thành viên nữ là bà Nguyễn Thị Hiếu, tức Hương Hiếu, vợ ông Cao Quỳnh Cư.

Ban đầu nhóm dùng phương pháp xây bàn và được cho là tiếp xúc với Thượng đế qua danh hiệu AĂÂ vào khoảng tháng 7 năm 1925[6].

Khoảng trung tuần tháng 9 năm 1925, nhóm chuyển sang dùng đại ngọc cơ để cầu cơ theo phương pháp cổ truyền của Đạo giáo. Theo các tài liệu đạo Cao Đài, thì giữa tháng 12 năm đó, nhóm được Thượng đế xưng danh Cao Đài lần đầu tiên.

Nhóm về sau phát triển thêm nhiều người, quan trọng nhất là việc thu nhận thêm Lê Văn Trung, cựu Nghị viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, người về sau giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển đạo Cao Đài.

Với sự liên hệ của ông Vương Quang Kỳ, giữa các nhóm hầu cơ bắt đầu có sự liên hệ qua lại. Ngày 21 tháng 2 năm 1926, trong một buổi cầu cơ tại nhà ông Kỳ, có mời các nhân vật có danh tiếng của các nhóm cầu cơ cùng đến dự, một bài thơ được lưu truyền là cơ giáng của Thượng đế, trong đó có tên của 13 người, về sau được tín đồ Cao Đài xưng tụng là những tín đồ đầu tiên của đạo, với ông Ngô Văn Chiêu được tôn xưng Anh Cả: "CHIÊU, KỲ, TRUNG độ dẫn HOÀI sanh,BẢN đạo khai SANG, QUÝ, GIẢNG thành,HẬU, ĐỨC, TẮC, CƯ Thiên Địa cảnh,Hườn, Minh, Mẫn đáo thủ đài danh."

Trong đó có tên của 2 ông Võ Văn Sang và Cao Hoài Sang cùng giáng 1 chữ. Ngoài ra còn có tên Hườn, Minh, Mẫn là ba nhân sĩ trí thức tham dự buổi cầu cơ.

Kể từ đó, những nền tảng giáo lý của Cao Đài được hoàn chỉnh dần và thống nhất giữa các tín đồ đầu tiên. Các thành viên tích cực[7], với nền tảng giáo lý và uy tín cá nhân đã truyền đạo và thu nạp thêm nhiều người. Số lượng tín đồ nhanh chóng phát triển lên hàng chục ngàn người. Đàn cơ ở nhà ông Kỳ không còn đủ sức chứa hàng trăm tín đồ đến tu tập, phải dời đến nhà ông Bản[8], về sau hình thành nên Thánh thất Cầu Kho, được xem là thánh thất đầu tiên của đạo Cao Đài.

Việc phát triển số lượng tín đồ nhanh chóng đòi hỏi phải có người lãnh đạo với quyền vị chính thức. Vì vậy, giữa cuối tháng 4 năm 1926, thông qua việc giáng cơ, các tín đồ đầu tiên đã tôn xưng ông Chiêu là Giáo tông và may sẵn bộ đạo phục riêng cho ông. Tuy nhiên, ông Chiêu từ chối ngôi vị Giáo tông, xuất tiền hoàn trả chi phí may đạo phục lại cho nhóm Phổ độ[9], và từ đó không tham gia cũng như không có liên quan gì đến các hoạt động phát triển của nhóm Cao Đài Phổ độ. Tuy vậy, các tín đồ Cao Đài ngày nay vẫn kính ngưỡng ông là Đệ nhất Giáo tông[10].

Để có tư cách chính thức với chính quyền thực dân, ngày 29 tháng 9 năm 1926, với sự chứng kiến của một số nhân sĩ, chức sắc tôn giáo[11], ông Lê Văn Trung đã họp 247 tín đồ Cao Đài[12] tại nhà số 237bis đường Galliéni[13] để làm Tờ Khai tịch Đạo[14]. Ngày 7 tháng 10 năm 1926, các tín đồ gởi đến Thống đốc Nam Kỳ Le Fol một bản tuyên cáo khai đạo bằng tiếng Pháp với chữ ký của 28 tín đồ có địa vị cao nhất trong đạo kèm theo tờ khai tịch đạo của 247 tín đồ.

Được sự cho phép của chính quyền, nhóm các tín đồ tổ chức 3 nhóm đi khắp Nam Kỳ để truyền đạo. Một số người Pháp cũng đến Thánh thất Cầu Kho để tìm hiểu và gia nhập đạo. Và ngày Rằm tháng 10 năm Bính Dần (tức ngày 19 tháng 11 năm 1926), các tín đồ Cao Đài đã tổ chức lễ ra mắt rất long trọng tại chùa Gò Kén, còn gọi là Từ Lâm Tự, Tây Ninh với sự hiện diện của quan chức chính quyền của cả người Pháp lẫn người Việt.

Tuy vậy, giữa các tín đồ đã xuất hiện những khác biệt về quan điểm tu tập và tổ chức đạo. Tín đồ đầu tiên Ngô Minh Chiêu giữ quan điểm tịnh tu và bình đẳng giữa các tín đồ, đã từ chối ngôi Giáo tông, cùng một số tín đồ tu tập độc lập với các nhóm Cao Đài còn lại, về sau hình thành Hệ phái Cao Đài Chiếu Minh. Sau khi Hội Thánh Cao Đài thành lập, một số chức sắc cao cấp vốn có những quan điểm bất đồng trong việc tổ chức đạo, hoặc vị trí trị sư trung ương, hoặc do những mục đích cá nhân, cũng dần tách ra để hình thành những nhánh Cao Đài độc lập. Một số nhánh thành lập tổ chức giáo hội (Hội Thánh), một số khác hoạt động độc lập không thuộc hệ phái nào, cũng không thành lập tổ chức giáo hội. Ngoài ra, còn một số tổ chức của các tín đồ Cao Đài mang tính chất đoàn thể cũng được thành lập.

Lý giải cho hiện tượng này, các tín đồ Cao Đài tin rằng việc hình thành các nhánh Cao Đài khác nhau đã được Thượng đế báo trước thông qua bài cơ điểm tên 12 tín đồ đầu tiên, sẽ hình thành 12 nhánh Cao Đài. Với các nhà nghiên cứu, trong đó có cả tín đồ, số lượng các nhánh Cao Đài khác nhau tùy theo thời điểm chứ không cố định là 12 phái. Trong giai đoạn 1926-1934, tức là từ khi đạo Cao Đài làm lễ ra mắt đến khi Ðạo Nghị định thứ 8 ra đời cấm các chức sắc Tòa Thánh Tây Ninh tách ra lập Chi phái, thì các nhà nghiên cứu thống nhất có 6 nhánh theo trình tự thời gian thành lập như sau:
Hội Thánh Tây Ninh (1926) với trị sở tại Tây Ninh.
Chiếu Minh Tam Thanh (1927) với trị sở chính ở Cần Thơ.
Thánh thất Cầu Kho (1930) với trị sở tại Sài Gòn.
Minh Chơn Lý (1931) với trị sở tại Mỹ Tho.
Tiên Thiên (1932) với trị sở tại Cai Lậy.
Ban Chỉnh Đạo (1934) với trị sở tại Bến Tre.

Theo thời gian, các nhánh Cao Đài diễn ra nhiều cuộc chia tách, sát nhập, thống kê trong lịch sử có hơn 30 chi phái khác nhau[15], trong đó, Tòa Thánh Tây Ninh được xem là hệ phái gốc.

Trong các hệ phái, Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh được tổ chức chặt chẽ và phát triển mạnh nhất, đặc biệt ở Sài Gòn và các vùng ngoại vi. Năm 1940, Nhật xâm nhập Đông Dương và ra sức lôi kéo các nhóm tôn giáo, chính trị người Việt ủng hộ Chính sách Đại Đông Á. Lo ngại việc một tôn giáo hoạt động mạnh ở Sài Gòn và phụ cận có thể rơi vào ảnh hưởng của người Nhật, ngày 28 tháng 6 năm 1941, chính quyền thực dân Pháp bất ngờ cho bắt giữ Hộ Pháp Phạm Công Tắc và đày đi Madagascar. Họ cũng cho quân lính chiếm đóng chiếm đóng Tòa Thánh làm nhà xe và chỗ ở cho lính Pháp, đuổi các chức sắc và thợ thầy ra khỏi Thánh địa.

Các hệ phái Cao Đài khác cũng bị người Pháp đàn áp. Được sự vận động của các cán bộ Việt Minh, một nhóm các tín đồ Cao Đài đã bí mật thành lập Hội Cao Đài Cứu Quốc. Hội hoạt động chủ yếu ở các vùng xa ở Tây Nam Kỳ, bí mật tập hợp lực lượng, có xu hướng chống cả Pháp lẫn Nhật.

Mặc dù đã hiện diện ở Đông Dương nhưng người Nhật khá bàng quang trước việc chính quyền Pháp tấn công vào cơ sở của đạo Cao Đài. Một số chức sắc cao cấp Cao Đài bị Pháp bắt giam, hầu hết thánh thất đều bị buộc phải đóng cửa. Mãi đến tháng 2 năm 1943, họ mới can thiệp với chính quyền Pháp để mở lại thánh thất Cao Đài tại Sài Gòn, đổi lại việc Phối sư Trần Quang Vinh tập hợp các tín đồ Cao Đài hợp tác với quân đội Nhật. Khá đông tín đồ Cao Đài được tuyển làm nhân công của các xưởng đóng tàu của quân đội Nhật tại Nam Bộ. Một lực lượng vũ trang Cao Đài cũng được thành lập bán công khai, dưới danh nghĩa được Hoàng thân Cường Để chỉ thị thành lập lực lượng vũ trang Cao Đài liên minh với Nhật Bản để chống Pháp.

Bên cạnh đó, ngày 24 tháng 6 năm 1945, được sự hậu thuẫn của Hội Cao Đài Cứu Quốc, một đại hội các hệ phái Cao Đài (không có Cao Đài Tây Ninh) được tổ chức tại Sài Gòn, thành lập tổ chức Cao Ðài Hiệp Nhứt 11 Phái và bầu ông Cao Triều Phát làm Chủ tịch. Sau khi Nhật đầu hàng, Cao Đài Tây Ninh mất đi sự hậu thuẫn, nhiều nhóm bán vũ trang Cao Đài đã gia nhập Cao Đài Cứu Quốc và tham gia giành chính quyền ở khắp Nam Bộ trong Cách mạng tháng Tám.

Mâu thuẫn giữa 2 nhóm càng tăng cao sau khi Pháp tái chiếm Nam Bộ. Để tranh thủ thêm đồng minh trong cuộc chiến chống Việt Minh, chính quyền Pháp cho phép Hộ pháp Phạm Công Tắc trở về Tòa Thánh Tây Ninh, đổi lại các tín đồ Cao Đài sẽ không tấn công người Pháp và được quân Pháp bảo trợ. Các lực lượng vũ trang của Cao Đài còn được người Pháp trang bị, thậm chí cùng với quân Pháp tấn công các lực lực lượng của Việt Minh trong địa bàn của mình.

Bất đồng với sự hợp tác này, một số chức sắc Cao Đài Tây Ninh tham gia kháng chiến đã gia nhập Cao Đài Cứu Quốc, mở rộng thành Cao Ðài Cứu Quốc 12 phái Hiệp Nhứt, với đại diện của 12 phái. Các lực lượng Cao Đài Cứu Quốc, mà chủ lực là Thanh Niên Đạo Đức Đoàn, đã hình thành những nhóm vũ trang, ban đầu để bảo vệ tín đồ trước các cuộc càn quét cướp phá của quân Pháp, sau hình thành lực lượng vũ trang chính quy là Trung đoàn 124, chiến đấu cho đến hết cuộc Kháng chiến chống Pháp dưới quyền chỉ huy của Việt Minh.

Sau năm 1954, tổ chức Cao Đài Cứu Quốc tuyên bố giải thể. Các phái liên hiệp trước đây trở về sinh hoạt riêng rẽ. Một số chức sắc tập kết ra Bắc, hình thành Hội Thánh Duy Nhất thuần túy sinh hoạt tôn giáo. Tại miền Nam, Hệ phái Cao Đài Tây Ninh dưới sự hậu thuẫn của người Pháp đã trở thành hệ phái Cao Đài lớn nhất, có quân đội riêng, có ảnh hưởng chính trị mạnh, đã trở thành cái gai lớn của chính quyền Ngô Đình Diệm. Để dẹp các trở ngại trong việc thâu tóm quyền lực, Thủ tướng Diệm đã mua chuộc, gây chia rẽ trong nội bộ, và cuối cùng tấn công lực lượng Cao Đài, buộc Hộ pháp Phạm Công Tắc phải lưu vong sang Campuchia.Như các tôn giáo khác, Đạo Cao Đài cũng không tránh khỏi tình trạng phân chia chi phái. Một số chi phái Cao Đài đã tách ly ra khỏi Toà Thánh Tây Ninh, tính đến khoảng năm 1930 gồm có 12 chi phái lớn như: Chiếu Minh, Cao Đài Ban chỉnh Đạo (Bến Tre), Tiên Thiên (Bến Tre), Minh Chơn Đạo (Hậu Giang), Minh Chơn Lý (Tiền Giang)...
Sau này có thêm nhiều chi phái nhỏ khác. Ông Ngô Văn Chiêu là đệ tử (tín đồ) đầu tiên của Đạo, đã lập ra phái Chiếu Minh khi ông ta rời bỏ cấu trúc tôn giáo nguyên thuỷ, chấp nhận từ chối ngôi vị Giáo Tông đầu tiên của đạo này mà tu theo lối hành thiền. Ông ta không liên quan đến việc thành lập tôn giáo Cao Đài chính thức vào năm 1926 cũng như không liên quan đến việc xây dựng Toà Thánh Tây Ninh. Riêng phái Tiên Thiên do ông Nguyễn Bửu Tài lãnh đạo đã xin trở về với Hội Thánh Tây Ninh ngày 29-6-1949 và đã được Hội Thánh chấp thuận. Nhưng sau đó, khi ông trở về phái Tiên Thiên, thiết lập 1 đàn cơ thì được cơ phong cho phẩm Giáo Tông vì thế mà phái Tiên Thiên vẫn chưa hội nhập về với gốc là Tòa Thánh Tây Ninh.Đạo Cao Đài chỉ có một Hội Thánh và một Tòa thánh duy nhất tại Tây Ninh còn tất cả các nơi khác không được dùng danh xưng Hội Thánh

No comments:

Post a Comment